Điều 17. Đồng phạm
- Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
- Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Bình Luận
- Khái niệm đồng phạm được hiểu là việc thực hiện hành vi phạm tội khi có từ hai chủ thể trở lên và tất nhiên các chủ thể này phải có năng lực trách nhiệm hình sự. Các chủ thể cùng nhau thực hiện tội phạm một cách cố ý. Tuy nhiên với khái niệm cùng nhau thực hiện một tội phạm có thể dẫn đến nhiều cách hiểu gây nhầm lẫn mà phổ biến là cho rằng các chủ thể chỉ được xem là đồng phạm khi và chỉ khi cùng thực hiện một tội phạm, trường hợp cùng thực hiện từ hai tội phạm trở lên thì không thỏa mãn yếu tố đồng phạm. Với cách hiểu như vậy là hoàn toàn chưa phù hợp với tinh thần pháp luật bởi lẽ một hành vi phạm tội chỉ được xem xét có đồng phạm hay không khi có ít nhất từ hai chủ thể trở lên cùng thực hiện một tội phạm. Các chủ thể này thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng giữa họ chỉ có duy nhất một tội phạm cùng thực hiện thì tất nhiên các hành vi phạm tội còn lại sẽ không tồn tại yếu tố đồng phạm. Chính vì vậy mà việc xem xét có tồn tại đồng phạm hay không phải được cân nhắc xem xét trên từng tội danh một để xác định và từ đó pháp luật mới đưa ra khái niệm: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm”.
Về bản chất, có thể hiểu đồng phạm là những người cùng tham gia vào việc thực hiện một tội phạm như: cùng thực hiện tội phạm có thể là trực tiếp thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (là người thực hành), thực hiện hành vi chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu việc thực hiện tội phạm (là người tổ chức), người thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm (là người xúi giục); tạo điều kiện về tinh thần hay vật chất cho người khác thực hiện tội phạm (là người giúp sức). Khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự cùng tham gia của những người đồng phạm khác. Cùng cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí.
Về lý trí: Mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm đối với hành vi của mình, nhận thức được tính chất nguy hiểm của những người đồng phạm khác, thấy trước được việc gây ra hậu quả chung của hành vi phạm tội đó.
Về ý chí: các chủ thể đều nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặt cho hậu quả đó xảy ra. Như vậy giữa các chủ thể đều thống nhất và quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra.
Như vậy, để thoả mãn quy định về đồng phạm cần có những điều kiện sau đây:
Thứ nhất: phải từ hai người trở lên, những người này phải có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm. Đây là điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai: cố ý cùng thực hiện một tội phạm, tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện có sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của người khác và ngược lại, hành vi phạm tội của mỗi người đều nằm trong hoạt động phạm tội của cả nhóm, với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm. Vì vậy, sẽ không được coi là đồng phạm khi một số người đã cùng thực hiện một tội phạm và cùng một thời gian nhưng giữa những người này không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ lẫn nhau mà hành vi của từng người đều thực hiện độc lập.
Xét về tính chất nguy hiểm giữa cùng một tội danh có đồng phạm và không đồng phạm thì tính chất, mức độ của hành vi phạm tội có đồng phạm gây nguy hiểm cao cho xã hội cũng như các hậu quả mà nó gây ra không hề nhỏ. Các tội phạm này thường được thực hiện một cách tinh vi, khó phát hiện cũng như ngăn chặn… vì vậy mà khi xét xử các tội danh có đồng phạm thì trách nhiệm hình sự của các chủ thể được xem xét ở mức tăng nặng trách nhiệm hình sự hơn so với cùng một tội danh được thực hiện riêng lẻ. (“Phạm tội có tổ chức” là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 BLHS)
- Phạm tội có tổ chức là hình thức phạm tội có đồng phạm nhưng nguy hiểm hơn bởi có sự cấu kết chặt giữa những người đồng phạm. Tính cấu kết chặt chẽ biểu hiện ở việc phân hóa rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đồng phạm từ khi tội phạm được hình thành cho đến khi kết thúc. Tính tổ chức của tội phạm được thể hiện:
Biến tổ chức thành môi trường, vỏ bọc, công cụ cho việc thực hiện tội phạm. Tổ chức được các đồng phạm tạo lập ra khi bắt đầu thực hiện tội phạm hoặc các đồng phạm tham gia vào một tổ chức, băng nhóm sẵn có. Ví dụ: các băng nhóm tội phạm hình thành chuyên đi cướp giật tại các khu vực trung tâm thành phố hoặc việc gia nhập vào băng đảng bảo kê, đòi nợ tại các quán bar, nhà hàng, khách sạn. Thông qua lý luận cũng như thực tiễn phòng chống tội phạm, các băng nhóm tội phạm hoạt động rất công khai, táo tợn, sẵn sàng tấn công bất kỳ ai có ý định can thiệp, chống trả, luôn có đầy đủ công cụ, phương tiện phạm tội…thậm chí có chủ trương, kế hoạch hoạt động. Tội phạm có tổ chức không chỉ tác động đến quan hệ bị xâm hại mà còn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý xã hội.
- Các loại chủ thể trong đồng phạm: Với tính chất của đồng phạm là có sự tham gia của nhiều người, phân hóa nội dung công việc nên vai trò của các chủ thể được biểu hiện thông qua các đối tượng cụ thể sau đây:
– Người tổ chức: đây là chủ thể có vai trò quan trọng, khơi mào cho tội phạm được thực hiện. Thể hiện ở việc khởi xướng, lập ra kế hoạch, đường lối, tập hợp, lôi kéo và phân công các thành viên hay nói cách khác người tổ chức là kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong tội phạm.
– Người xúi giục là người tác động lên nhận thức hoặc ý chí của người khác nhằm tìm mọi cách để tội phạm được thực hiện, hiện thực hóa tội phạm trên thực tế.
– Người thực hành là người trực tiếp thực hiện các hành vi khách quan của tội phạm. Ví dụ: là người dùng dao đâm, dùng súng bắn, đẩy nạn nhân xuống nước… đối với tội giết người; là người dùng vũ lực như đánh, đấm, đâm nạn nhân, trói nạn nhân… đối với tội cướp tài sản…Chủ thể là người thực hành, chúng ta xem xét dưới hai khía cạnh hành động trực tiếp hoặc hành động thông qua một người khác:
+ Hành động trực tiếp: Người hành động tự chính mình thực hiện các hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm như tự mình cầm dao đâm, tự mình dùng súng bắn nạn nhân…
+ Hành động thông qua người khác: Người khác được đề cập ở đây chính là các chủ thể không có năng lực trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn dụ dỗ trẻ em dưới 14 tuổi vận chuyển heroin, lừa người khác đưa đồ ăn có chứa chất độc nhằm mục đích giết người. Trong trường hợp này, người xúi giục trẻ en vận chuyển heroin, người lừa đưa đồ ăn là người thực hành cho các tội danh liên quan.
– Người giúp sức là người hỗ trợ tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tội phạm được diễn ra, biểu hiện:
+ Giúp sức về vật chất: Như chuẩn bị sẵn công cụ, phương tiện phạm tội, thăm dò trước hiện trường, lập sơ đồ vị trí hướng dẫn, chỉ điểm, thông tin về đối tượng, quan hệ chuẩn bị xâm hại…
+ Giúp sức về tinh thần: Như động viên người thực hành (gợi ý mức lợi nhuận khổng lồ khi vận chuyển thành công heroin với số lượng lớn), hứa hẹn về việc che giấu tội phạm, các lợi ích…
- Hành vi vượt quá của người thực hành là việc người thực hành tự ý thực hiện hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác không biết và không mong muốn. Hay nói cách khác, hành vi vượt quá của người thực hành mà những người đồng phạm khác không có ý định thực hiện, cũng không mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra. Nếu những người đồng phạm để cho người thực hành hoàn toàn tự do hành động nhằm đạt được mục đích của tội phạm mà mình mong muốn, thì mọi hành vi của người thực hành không được coi là hành vi vượt quá và những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi và hậu quả của người thực hành gây ra.
Khoa học luật hình sự chia hành vi vượt quá ra làm hai loại chính: Vượt quá về chất lượng của hành vi và vượt quá về số lượng của hành vi.
Vượt quá về chất lượng của hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi vượt quá đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện, nếu hành vi vượt quá cấu thành tội phạm thì tội phạm đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Thái quá về số lượng hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi vượt quá mà hành vi đó cùng tính chất với hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện.
Sự phân biệt hai loại hành vi vượt quá như trên chỉ có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu khoa học, còn thực tiễn xét xử dù là vượt quá về chất lượng hay về số lượng của hành vi thì những người đồng phạm khác đều không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác (không phải là người thực hành) trong vụ án có đồng phạm không chỉ liên quan đến hành vi vượt quá của người thực hành mà còn liên quan đến nhiều chế định khác như: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, vấn đề lỗi, các điều kiện của đồng phạm và phạm tội có tổ chức… Hành vi vượt quá của người thực hành lại liên quan trực tiếp đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự của người đồng phạm khác, nên có thể nói hành vi vượt quá của người thực hành chính là điều kiện (căn cứ) để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.
Luật sư Hình sự – Quảng Ngãi
Khuyến nghị của Luật sư Quảng Ngãi .org
-
- Bài viết nêu trên được Luật sư Quảng Ngãi .org thực hiện nhằm mục đích tham khảo, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức pháp luật.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, vui lòng liên hệ với Luật sư Quảng Ngãi .org qua hotline 0905 333 560, Email: info@luatsuquangngai.org
Liên hệ – Luật sư Quảng Ngãi .org
LUẬT SƯ TẠI QUẢNG NGÃI
1166 Quang Trung, P. Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi
LUẬT SƯ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
389/74/6 Lê Văn Khương, P. Hiệp Thành, Quận 12, TP. HCM
204 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 10, TP. HCM
Hotline: 0905 333 560
Email: info@luatsuquangngai.org
Website: www.LuatsuQuangNgai.org www.LCAlawfirm.vn www.DoanhNghiep.LuatsuQuangNgai.org
Fanpage Luật Sư Quảng Ngãi: https://www.facebook.com/luatsuquangngailca
Công ty Luật LCA : https://www.facebook.com/luatsugioiquangngai