Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có – BLHS 2015 – Phân tích

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH

1. Khách thể: 

Khách thể chung là trật tự công cộng và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa (XHCN); khách thể trực tiếp là trật tự quản lý nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có gây ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Đối tượng tác động của Tội CCTTTS là tài sản do người khác phạm tội mà có với đặc điểm: đó là tài sản nhưng không phải tất cả các loại tài sản theo nghĩa thông thường. Do đó, có thể xác định đối tượng tác động của Tội CCTTTS là “tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản ngoại trừ những tài sản là đối tượng phạm tội của tội khác mà tội đó có hành vi cất giấu, tiêu thụ tài sản đáp ứng đầy đủ dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan và thể hiện đúng bản chất của hành vi do cấu thành tội phạm đó quy định”.

Tài sản do người khác phạm tội mà có, có thể là tài sản của Nhà nước, của tổ chức, hoặc của công dân. Đối với nội dung “tài sản do người khác phạm tội mà có” không đòi hỏi yếu tố định lượng của tài sản. Trong tội này, đối tượng tác động của Tội CCTTTS có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của người khác. Thêm nữa, trong một số tội liên quan đến tài sản thì việc không phát hiện, tìm được tài sản sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Cho nên, những ai có hành vi tiêu thụ, chứa chấp tài sản mà biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có mới phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) là hợp lý. Còn vấn đề định lượng tài sản trong cấu thành cơ bản của Tội CCTTTS, với ý nghĩa là đối tượng có được do phạm tội mà có thì tài sản trong tội này có được từ bất cứ tội nào chứ không chỉ riêng đối với các tội xâm phạm sở hữu. Trong khi đó, định lượng tài sản trong mỗi tội theo BLHS là khác nhau, có tội không quy định về định lượng. Thêm nữa, giá trị pháp lý của tài sản trong Tội CCTTTS không phải ở việc nó có giá bao nhiêu mà là ở giá trị chứng minh và ý nghĩa của nó đối với tội phạm mà người khác thực hiện.

2. Mặt khách quan:

Hành vi khách quan – Hành vi thứ nhất là hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có có thể hiểu là hành vi cất giấu tài sản một cách trái pháp luật bất cứ nơi đâu với bất cứ mục đích gì sau khi được người phạm tội chuyển giao tài sản. Đây là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản. Việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào; có trường hợp chỉ cất giữ trong túi áo, túi quần hoặc trong người. Nếu tài sản do người khác phạm tội mà có lại là đối tượng phạm tội của tội phạm khác thì người có hành vi chứa chấp tài sản đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà bộ luật hình sự quy định đối với hành vi tàng trữ các loại tài sản đó. Ví dụ: tàng trữ hàng cấm

Hành vi chứa chấp chỉ thuộc hành vi khách quan của tội này khi người thực hiện hành vi chứa chấp nhận tài sản từ người phạm tội. Nếu như người thực hiện hành vi chứa chấp không nhận tài sản từ người phạm tội thì hành vi của họ không phạm tội này mà có thể phạm tội khác được quy định trong BLHS. Chẳng hạn, A đi ngang nhà N thấy B đang cầm một chiếc điện thoại di động (trị giá 5 triệu đồng) từ trong nhà đi ra. Do sợ bị phát hiện nên B nhét điện thoại xuống đống rơm bên hông nhà và dự định tối sẽ quay lại lấy. Thấy vậy, A đến lấy chiếc điện thoại mang về nhà và định bán để có tiền tiêu xài. Khi A đang giữ chiếc điện thoại tại nhà thì bị phát hiện. Như vậy, mặc dù A đã có hành vi giữ chiếc điện thoại mà B chiếm đoạt của N nhưng hành vi của A không phạm tội theo Điều 323 vì A không được B chuyển giao chiếc điện thoại mà hành vi của A có thể phạm Tội trộm cắp tài sản.

– Hành vi thứ hai là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là trường hợp biết rõ tài sản có được là tài sản do người phạm tội (do trộm cắp tài sản, cướp tài sản…) nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu để người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội; chuyển đổi, mua lại hay chuyển giao tài sản cho người khác. Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự. Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội.

Điều luật không giới hạn chủ thể tiêu thụ nên có thể hiểu người thực hiện hành vi tiêu thụ có thể là chủ thể nhận chuyển giao (bên mua, bên được cho, được tặng…) hoặc bên thứ ba. Do đó, hành vi tiêu thụ bao hàm cả việc người thực hiện hành vi tiêu thụ trực tiếp giao dịch với người phạm tội hoặc nhận tài sản từ người phạm tội rồi chuyển giao cho người khác theo ý chí của người phạm tội, có thể vì lợi ích của người phạm tội hoặc của cả hai. Cần lưu ý, hành vi chứa chấp hoặc chuyển giao phải là hành vi trái pháp luật.

Ngoài việc không thống nhất về hành vi thuộc mặt khách quan được thể hiện như trên, còn có sự không thống nhất trong trường hợp tài sản do phạm tội mà có được bán qua nhiều người thì những người mua có phải là đồng phạm hay không hay phạm tội độc lập. Chẳng hạn, A đã có hành vi trộm của B chiếc xe mô tô trị giá 15 triệu đồng. Sau đó, A bán xe cho C giá 8 triệu đồng. Mặc dù biết xe A bán là do A trộm của người khác nhưng C vẫn mua. Sau đó, C bán xe trên cho H (bạn của C) và nói rõ xe là do A trộm của người khác bán lại cho C nhưng vì cần tiền nên C bán lại cho H. Sau khi H mua xe của C thì A, C và H bị bắt.

Xung quanh vụ án này, hành vi của A đã rõ nhưng hành vi của C và H thì có nhiều quan điểm khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, hành vi của C và H đều phạm Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng không phải là đồng phạm, vì hành vi của họ độc lập với nhau. Do đó, khi xét xử, vì cả hai hành vi này bị phát hiện cùng lúc nên được giải quyết chung trong cùng vụ án nhưng không áp dụng các quy định về đồng phạm. Ý kiến thứ hai cho rằng, C và H là đồng phạm vì hành vi tiêu thụ không giới hạn người tiêu thụ là người nhận tài sản hay người chuyển giao tài sản cho người thực hiện hành vi phạm tội.

Như đã phân tích, hành vi tiêu thụ có thể do người trực tiếp giao dịch với người phạm tội có được tài sản hoặc do người giao dịch với người nhận được tài sản từ người phạm tội (có thể bằng giao dịch hoặc lý do khác). Tuy nhiên, nếu vì vậy mà cho C và H là đồng phạm là không đúng, vì sau khi hành vi phạm tội của C đã hoàn thành thì hành vi của H mới diễn ra và hành vi của C, H là độc lập nhau, nên ý kiến thứ hai không phù hợp. Lập luận như ý kiến thứ nhất là hợp lý; bởi hành vi của H đã đáp ứng đầy đủ yếu tố hành vi trong mặt khách quan của Tội CCTTTS. Bên cạnh đó, Điều luật cũng không quy định rõ người phạm tội có được tài sản bằng cách thực hiện hành vi phạm tội đối với những loại tội phạm nào. Do đó, xét tài sản do người khác phạm tội mà có ở khía cạnh hành vi của A hay hành vi của H đều là tài sản do người khác phạm tội mà có. Giả sử C không bị TCTNHS do C chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì hành vi của H cũng đã đáp ứng đầy đủ mặt khách quan của Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì vậy, C và H bị TCTNHS độc lập nhau cùng về tội này là phù hợp.

Hành vi phạm tội tiêu thụ tài sản có đặc điểm trên chỉ cấu thành Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có khi không có sự hứa hẹn trước. Nếu có sự hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ, thu mua tài sản trộm cắp thì hành vi của người tiêu thụ là hành vi của một đồng phạm với tội trộm cắp tài sản với vai trò là người giúp sức người đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có diễn ra sau khi đã có hành vi phạm tội khác đã hoàn thành, hai hành vi này hoàn toàn tách biệt nhau. Điều luật quy định hành vi “tiêu thụ tài sản mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có “ Người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội. Tài sản mà người phạm tội tiêu thụ có xuất phát điểm từ hành vi phạm tội khác mà có (tức là hành vi phạm tội khác đủ điều kiện để truy cứu TNHS) còn nếu chỉ là hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tài sản đó không được xem là tài sản mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Từ những sự phân tích nêu trên có thể thấy để xử lý TNHS về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” cần xác định tài sản tiêu thụ của hành vi phạm tội trước đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong BLHS hay không (ví dụ A trộm cắp tài sản nhưng chưa đủ tuổi chịu TNHS bán cho B. B biết rõ đó là tài sản trộm cắp)

Trong thực tiễn, khi hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị phát hiện cùng với hành vi mà người phạm tội đã thực hiện để có được tài sản thì cả hai hành vi đều được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong cùng vụ án.

3. Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường, theo đó, người phạm tội phải đáp ứng hai dấu hiệu về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có. Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự (có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).

4. Mặt chủ quan

Điều luật quy định “người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ…” đã thể hiện lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp.

Tuy nhiên, để làm rõ thuật ngữ “biết rõ” cũng không dễ dàng. Có ý kiến cho rằng, do người phạm tội không bao giờ thừa nhận tội của mình ngay khi bị phát hiện chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, nên họ thường khai không biết đó là tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, để xác định họ có biết rõ hay không phải dựa vào các tình tiết khách quan mà đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có; việc giao dịch giữa người chứa chấp, tiêu thụ với người có tài sản.

Theo Từ điển tiếng Việt, biết là “có ý niệm về người, vật hoặc điều gì đó, để có thể nhận ra được hoặc có thể khẳng định được sự tồn tại của người, vật hoặc điều ấy” hay “nhận rõ được thực chất hoặc giá trị để có được sự đối xử thích đáng”. Từ đó có thể hiểu, người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” là việc một người khi thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ đã có sự đánh giá của riêng bản thân về tài sản mà mình chứa chấp, tiêu thụ và nhận biết được đó là tài sản do phạm tội mà có, nhưng vì lý do nào đó vẫn thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ.

Tuy nhiên, khi đánh giá lỗi có “biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không” phải căn cứ vào thời điểm mà người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ nhận biết. Theo đó, thời điểm đánh giá là thời điểm khi người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ thực hiện hành vi chứ không phải thời điểm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (sau khi hành vi chứa chấp, tiêu thụ được thực hiện).

Hiện nay, trong một số vụ án, do ngại trách nhiệm (sợ khởi tố, truy tố, xét xử sai) cũng như không hiểu rõ quy định của pháp luật nên có cơ quan, người tiến hành tố tụng dựa theo sự thừa nhận của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ về việc họ có biết hay không biết tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ do người khác phạm tội mà có để quyết định có khởi tố, truy tố hay không. Việc đánh giá như vậy là sai lầm. Trong những trường hợp người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không thừa nhận việc biết tài sản đó là do phạm tội mà có thì cần phân tích hành vi của họ trên cơ sở đánh giá các yếu tố liên quan đến nhân thân của họ (tuổi đời, trình độ học vấn, tiền án, tiền sự, sức khỏe…), mối quan hệ giữa họ với người phạm tội, môi trường sống, làm việc, thời điểm, hoàn cảnh họ thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ… để đánh giá có thực họ không biết tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ không phải do phạm tội mà có hay không. Điều đó có nghĩa, khi chứng minh lỗi của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ phải xuất phát từ lỗi của họ khi thực hiện hành vi, chứ không phải xuất phát từ sự nhìn nhận của họ.

Ngoài ra, do Khoản 1 Điều này chỉ quy định “biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” mà không nói rõ người phạm tội có được tài sản do phạm tội nào cho nên, khi xem xét yếu tố lỗi thuộc mặt chủ quan của Tội CCTTTS thì không cần bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản phải biết rõ người phạm tội đã phạm tội gì để có được tài sản. Chẳng hạn, L (cán bộ Ủy ban nhân dân cấp huyện) mang một món nữ trang trị giá 10 triệu đồng bán cho N và nói rõ là do L trộm của người khác, nhưng thực tế, món nữ trang đó có được là do L nhận hối lộ của C. Trong trường hợp này, L vẫn phải bị TCTNHS về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

 

Luật sư Hình sự - Quảng Ngãi

Luật sư Hình sự – Quảng Ngãi



Khuyến nghị của Luật sư Quảng Ngãi .org

    1. Bài viết nêu trên được Luật sư Quảng Ngãi .org thực hiện nhằm mục đích tham khảo, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức pháp luật.
    2. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, vui lòng liên hệ với Luật sư Quảng Ngãi .org qua hotline 0905 333 560, Email:  info@luatsuquangngai.org


Liên hệ – Luật sư Quảng Ngãi .org

LUẬT SƯ TẠI QUẢNG NGÃI
    1166 Quang Trung, P. Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi

LUẬT SƯ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
    389/74/6 Lê Văn Khương, P. Hiệp Thành, Quận 12, TP. HCM
    204 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 10, TP. HCM

Hotline: 0905 333 560
Email: info@luatsuquangngai.org

Website:  www.LuatsuQuangNgai.org     www.LCAlawfirm.vn     www.DoanhNghiep.LuatsuQuangNgai.org  

Fanpage Luật Sư Quảng Ngãi: https://www.facebook.com/luatsuquangngailca

Công ty Luật LCA                    : https://www.facebook.com/luatsugioiquangngai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0905333560