Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự
Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt.
Bình luận:
Nhiệm vụ của BLHS rất nhiều nhưng có thể khái quát ở 2 nhiệm vụ chính.
Một là nhiệm vụ bảo vệ, bảo vệ gì? Chính là bảo vệ những mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Trong xã hội có rất nhiều những quan hệ cần được điều chỉnh, tuy nhiên do tính chất, mức độ và tầm quan trọng khác nhau nên sẽ được điều chỉnh bởi những nhóm quy phạm pháp luật khác nhau. Luật hình sự chọn những quan hệ xã hội trọng tâm, gần như là quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu để điều chỉnh như chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân v.v…
Hai là giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bản chất của pháp luật hình sự không phải là để trừng phạt người phạm tội giống như hệ thống pháp luật thời phong kiến. Điều này dễ dàng nhìn thấy qua các hình phạt cổ như lăng trì, tùng xẻo, ngũ mã phanh thây v.v…hình phạt trong Bộ Luật hình sự ngày nay đang đi theo xu hướng càng ngày càng giảm án tử hình thay bằng hình thức chung thân và thi hành án tử cũng trở nên nhân đạo hơn để tử tù được ra đi một cách nhẹ nhàng, ít đau đớn nhất.
Để thực hiện 2 nhiệm vụ trên thì BLHS quy định xung quanh 2 vấn đề và cũng là xuyên suốt qua các thời kỳ đó là Tội phạm và Hình phạt. Nói đến hình sự người ta nghĩ ngay đến tội phạm và hình phạt và ngược lại. Đó là đặc trưng cơ bản và rất dễ nhận thấy ở pháp luật hình sự so với các ngành luật khác như dân sự, hành chính. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giữa vi phạm hành chính (xử phạt vi phạm hành chính) và tội phạm (xử lý hình sự) có một mối quan hệ khá mật thiết, chúng khá tương đồng trong nhiều mặt và ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự đôi khi rất mong manh phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và đôi khi là cách nhìn nhận chủ quan của người xử phạt vi phạm hành chính và cơ quan công tố. Do đó, trong thực tế không hiếm những trường hợp hồ sơ vi phạm hình sự nhưng sau đó chuyển sang xử lý hành chính và hồ sơ xử lý hành chính chuyển sang xử lý hình sự do có dấu hiệu của tội phạm.
Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự
- Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bình luận:
Đây là quy định chỉ rõ khi nào thì một cá nhân hay một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự và đó là khi cá nhân, pháp nhân thương mại đó phạm một tội đã được BLHS quy định. Riêng đối với pháp nhân thương mại do tính đặc thù của chủ thể mà giới hạn những điều luật có thể phạm phải chỉ bao gồm: Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300, 324.
Cách hành văn của quy định trên làm nhiều người có thể hiểu sai lệch (phi logic) rằng nếu một người, pháp nhân thương mại nào đó phạm từ 2 tội trở lên thì không phải chịu trách nhiệm hình sự vì quy định chỉ nêu “khi phạm một tội” chứ không phải “vi phạm ít nhất một tội”. Tuy nhiên nếu nghiên cứu theo những nguyên tắc của bộ môn logic học thì cách diễn đạt như vậy hoàn toàn logic. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng không phải ai cũng có thể hiểu và am tường về bộ môn logic học này, hơn nữa luật pháp là nhằm mục đích phổ biến áp dụng trong thực tế vì vậy nó càng phổ thông càng dễ hiểu càng tốt. Hiện quy định như vậy không sai nhưng để đảm bảo bớt tính hàn lâm và tránh những sự nhầm lẫn không đáng có thì nên diễn đạt lại theo hướng “…phạm ít nhất một tội…”(cách hành văn mới này cũng hoàn toàn không sai nhưng lại dễ hiểu hơn).
Điều 3. Nguyên tắc xử lý
- Đối với người phạm tội:
a) Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
b) Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;
c) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;
đ) Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;
e) Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;
g) Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;
c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.
Bình luận:
Nguyên tắc là những thứ bắt buộc phải tuân thủ, nguyên tắc được lập ra để đảm bảo tính thống nhất và cho thấy được phần nào chính sách của BLHS nói riêng và chính sách của nhà nước nói chung đối với tội phạm. Đó là phân định rõ nhóm đối tượng sẽ được hưởng chính sách khoan hồng, thể hiện sự nhân đạo của nhà nước và nhóm chính sách cứng rắn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với nhóm đối tượng có khả năng và đã hoặc sẽ thực hiện những hành vi gây nguy hại lớn đến xã hội.
Nguyên tắc thì nhiều nhưng nếu phân chia theo cách BLHS làm thì có nhóm những nguyên tắc đối với người phạm tội và nhóm nguyên tắc đối với pháp nhân thương mại. Tuy nhiên có thể nhìn thấy rất rõ ràng ở điều luật trên là 2 nhóm nguyên tắc này không có gì khác nhau về bản chất và nhóm nguyên tắc của pháp nhân thương mại ít hơn nhiều với nguyên tắc của người phạm tội (có thể gọi đó là tập hợp con trong trường hợp này). Những khác biệt rất ít cũng chỉ xuất phát từ những đặc trưng của từng loại chủ thể. Điều này có thể dễ hiểu vì trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một chế định rất mới mẻ và BLHS 2015 là Bộ luật đầu tiên ghi nhận chế định này. Do đó không tránh khỏi việc nêu ra những nguyên tắc trên cũng cơ bản là dựa trên nguyên tắc dành cho người phạm tội và theo đánh giá chủ quan của tác giả, nguyên tắc đối với pháp nhân thương mại vẫn còn thiếu nhiều và có thể sẽ phải bổ sung trong tương lai không xa. Đơn cử như không có nguyên tắc về việc tạo điều kiện cho pháp nhân tái hoạt động sau khi chấp hành xong hình phạt hay nguyên tắc về xóa điểm đen lý lịch pháp nhân (tương tự như xóa án tích) v.v…
– Đối với người phạm tội, BLHS năm 2015 quy định 7 nguyên tắc, nhưng thực chất về nội dung cũng không khác so với BLHS năm 1999. Tuy nhiên, việc quy định thành 7 nguyên tắc chủ yếu là về kỹ thuật lập pháp.
- Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.
Phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật mọi hành vi phạm tội có một ý nghĩa không chỉ đối với việc đấu tranh chống tội phạm mà còn có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm.
Thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp do phát hiện kịp thời hành vi phạm tội nên đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại do tội phạm gây ra. Ví dụ: Nếu chúng ta phát hiện kịp thời một số người đang có hành vi chuẩn bị phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” sẽ ngăn chặn được tác hại do hành vi phạm tội gây ra. Phát hiện kịp thời hành vi phạm tội còn có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân công tác phòng ngừa tội phạm, cảnh báo những ai có ý định thực hiện tội phạm hãy từ bỏ ý định phạm tội nếu không sẽ bị trừng trị. Phát hiện kịp thời tội phạm còn có tác dụng chống mọi hoài nghi không đáng có vào tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội, mọi người yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào chế độ, vào Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và mọi công dân có nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm bằng cách phát hiện kịp thời, tố giác hành vi phạm tội với các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt nguyên tắc này yêu cầu các cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật mọi hành vi phạm tội.
- Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
Nguyên tắc này thể hiện rõ tính công bằng trong việc xử lý người phạm tội. Sự bình đẳng trong nguyên tắc này là sự bình đẳng trong việc vận dụng các dấu hiệu cấu thành tội phạm đối với một hành vi phạm tội, đối với hình phạt cũng như các biện pháp tư pháp khác về người phạm tội, chống những biểu hiện phân biệt đối xử giữa những người phạm tội có địa vị xã hội khác nhau “dân thì xử nặng, quan thì xử nhẹ”.
Nguyên tắc này không chỉ là nguyên tắc của BLHS khi xử lý hành vi phạm tội, mà còn là nguyên tắc đối với các đạo luật khác; không chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng mà đối với toàn xã hội, cần phải có thái độ công bằng đối với người phạm tội dù họ là ai. Khi khẳng định nguyên tắc “mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật”, nhưng không phải vì thế mà cho rằng không có sự phân hóa “nghiêm trị ai, khoan hồng đối với ai” và điều này càng thể hiện nội dung của khái niệm “bình đẳng, công bằng” không đồng nhất với khái niệm “bình quân, cào bằng”.
- Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Nguyên tắc này được tách từ nguyên tắc thứ 2 của BLHS năm 1999. Việc tách nguyên tắc này ra thành một nguyên tắc độc lập là bảo đảm chính xác không chỉ về nội dung mà còn về kỹ thuật lập pháp.
Nội dung của nguyên tắc thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta đối với những đối tượng cần phải nghiêm trị, được liệt kê. Đó là: Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Việc quán triệt nội dung nguyên tắc này trong thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, nhất là đối với người phạm tội tham nhũng thì nguyên tắc này chưa được thực hiện nghiêm túc. Cũng chính vì vậy mà trong nhiều báo cáo về tham nhũng của Nhà nước cũng như của các cơ quan chức năng thường đánh giá là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu hoặc chưa được như mong muốn.
- Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Đây cũng là nguyên tắc được tách ra từ nguyên tắc thứ 2 của BLHS năm 1999.
Nội dung của nguyên tắc này nói nên tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, quy mô của việc thực hiện tội phạm có đồng phạm và hậu quả do hành vi thực hiện tội phạm gây ra cho xã hội, chứ không phải đối với người phạm tội.
Cùng với việc quy định nghiêm trị đối với những trường hợp phạm tội nguy hiểm thì BLHS cũng đề ra chủ trương khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra nhằm làm giảm bớt tác hại của tội phạm, đồng thời có tác dụng phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, lập lại trật tự kỷ cương xã hội.
Nếu căn cứ vào nội dung thì: “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Có thể coi là một nguyên tắc độc lập với các nguyên tắc khác. Tuy nhiên, nhà làm luật không quy định thành một nguyên tắc riêng mà quy định ngay sau nguyên tắc: “Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Có thể về kỹ thuật lập pháp, việc không quy định thành một nguyên tắc độc lập sẽ dẫn đến việc hiểu và áp dụng nguyên tắc này một cách máy móc là chỉ đối với người phạm tội “dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” mà “tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” thì mới được khoan hồng, còn những người khác thì không được. Nếu hiểu như vậy là phiến diện, chưa thấy hết chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người phạm tội.
Tuy nguyên tắc này được quy định trong cùng một điểm nhưng phải hiểu rằng, tất cả những người phạm tội mà “tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” thì đều được khoan hồng. Chỉ có hiểu như vậy mới thấy hết được nguyên tắc xử lý đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội mà Nhà nước đề ra.
Các nguyên tắc trên là nguyên tắc phân hóa tội phạm, không chỉ có tác dụng đấu tranh chống tội phạm mà còn có tác dụng to lớn trong việc phòng ngừa tội phạm. Việc quy định nghiêm trị ai, loại hành vi nào, không phải chỉ để áp dụng hình phạt thật nặng đối với họ mà chủ yếu có tính chất răn đe, phòng ngừa, cảnh báo cho mọi người biết nếu cố tình phạm tội thuộc các trường hợp trên thì sẽ bị nghiêm trị.
- Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.
Đây là nguyên tắc được cụ thể hóa từ nguyên tắc khoan hồng, nhưng chỉ đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng và cũng chỉ có Tòa án áp dụng, vì chỉ có Tòa án mới được quyết định hình phạt. Đây là nguyên tắc quyết định hình phạt nhưng không vì thế mà cho rằng Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không cần quan tâm đến nguyên tắc này, vì quán triệt nguyên tắc này sẽ giúp cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ khi khởi tố bị can, nếu không thật cần thiết thì không nên áp dụng biện pháp tạm giam đối với người phạm tội.
Đây cũng không phải là nguyên tắc quyết định hình phạt duy nhất, vì khi quyết định hình phạt Tòa án còn phải căn cứ vào nhiều nguyên tắc khác, không chỉ có nguyên tắc này.
Nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng còn là cơ sở quy định các chế định khác về quyết định hình phạt như: Căn cứ quyết định hình phạt; quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS; án treo…
Nguyên tắc nghiêm trị kết hợp với khoan hồng, phân hóa tội phạm là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình áp dụng BLHS, là chính sách hình sự của Nhà nước đối với tội phạm. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải luôn luôn quán triệt nguyên tắc này để xử lý tội phạm. Nguyên tắc này còn là cơ sở để quy định các chế định, các quy định khác về tội phạm và hình phạt trong cả Phần thứ nhất và Phần thứ hai của BLHS. Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc này còn là cơ sở để thực hiện các nguyên tắc khác.
- Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Đây là nguyên tắc nhân đạo đối với người đã bị kết án và bị phạt tù giam; cũng là nguyên tắc cơ bản mà không phải quốc gia nào cũng quy định. Ở nước ta, người bị phạt tù tuy bị hạn chế quyền tự do, nhưng họ được lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì được xét giảm việc chấp hành hình phạt tù.
Nguyên tắc này là cơ sở để quy định các chế định khác như: Chế định về miễn chấp hành hình phạt; giảm mức hình phạt đã tuyên; giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt; hoãn chấp hành hình phạt tù; tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù…
Có thể nói, đây là nguyên tắc thi hành án phạt tù, chứ không phải nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội. Cũng có ý kiến cho rằng, BLHS không nên quy định nguyên tắc này, mà nên quy định trong Luật thi hành án hình sự. Tuy nhiên, việc quy định nguyên tắc này trong BLHS là không thừa. Vì việc thi hành BLHS không phải chỉ đối với cơ quan nhà nước mà đối với toàn xã hội, mọi người dân đều phải biết chính sách của Nhà nước ta đối với người phạm tội, để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
Đây là nguyên tắc nhân đạo đối với người bị kết án, họ không bị xã hội thành kiến với tội lỗi mà họ đã phạm. Sau khi người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt, họ được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng. Các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng đối với người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt. Tuy nhiên, để nguyên tắc đi vào cuộc sống thì trước hết các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp phải thật sự loại bỏ tư tưởng kỳ thị đối với người bị kết án. Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích đối với các đơn vị, các tổ chức kinh tế nhận người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù vào đơn vị, doanh nghiệp mình làm việc.
Chế định xóa án tích cũng là một nguyên tắc không chỉ xóa đi mặc cảm của xã hội đối với người bị kết án mà còn để chính bản thân người bị kết án cũng xóa đi mặc cảm đối với chính họ. Nguyên tắc này còn là cơ sở để quy định chế định xóa án tích trong BLHS.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 BLHS thì: “Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”.
– Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, BLHS năm 2015 cũng nêu 4 nguyên tắc xử lý. Tuy nhiên, nội dung của 4 nguyên tắc đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng tương tự như đối với người phạm tội.
Điều 4. Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm
- Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.
- Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.
- Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.
Bình luận:
Điều luật này cho thấy rằng trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm là của toàn xã hội mà không chỉ bị giới hạn bởi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy nhà nước. Tuy vậy nghĩa vụ này không được đánh đồng đối với tất cả các chủ thể. Điều này thể hiện ở quy định tại Khoản 3: Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Cấu trúc của quy định này cho thấy sự khuyến khích hơn là bắt buộc. Hoàn toàn khác với quy định tại Khoản 1 khi quy định rằng: Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Quy định này thể hiện sự rõ ràng, tách bạch giữa nghĩa vụ mang tính bắt buộc và nghĩa vụ mang tính khích lệ, khuyến khích. Chính xác là nghĩa vụ chính trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm phải thuộc về các cơ quan nhà nước. Nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho cuộc sống của người dân là nhiệm vụ thuộc về nhà nước. Hiến pháp đã trao quyền tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống quyền lực công và sử dụng công cụ hệ thống quân đội, nhà tù, công an, cảnh sát v.v…để thực hiện mục tiêu gìn giữ hòa bình, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong mối quan hệ này người dân phải thực hiện nghĩa vụ về thuế và những nghĩa vụ khác để tạo nguồn thu ngân sách duy trì hoạt động của hệ thống trên. Mỗi bên đều có những nghĩa vụ rất rõ ràng của mình được quy định trong Hiến pháp. Do vậy nhiệm vụ cùng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm của công dân là để đảm bảo được tính toàn diện và tính nhanh chóng kịp thời trong việc xử lý tội phạm, nó là một nghĩa vụ phái sinh và mang tính chất khuyến khích là chính, làm cho mọi công dân thấy được bổn phận của mình đối với công tác phòng chống tội phạm.
Luật sư Hình sự – Quảng Ngãi
Khuyến nghị của Luật sư Quảng Ngãi .org
-
- Bài viết nêu trên được Luật sư Quảng Ngãi .org thực hiện nhằm mục đích tham khảo, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức pháp luật.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, vui lòng liên hệ với Luật sư Quảng Ngãi .org qua hotline 0905 333 560, Email: info@luatsuquangngai.org
Liên hệ – Luật sư Quảng Ngãi .org
LUẬT SƯ TẠI QUẢNG NGÃI
1166 Quang Trung, P. Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi
LUẬT SƯ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
389/74/6 Lê Văn Khương, P. Hiệp Thành, Quận 12, TP. HCM
204 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 10, TP. HCM
Hotline: 0905 333 560
Email: info@luatsuquangngai.org
Website: www.LuatsuQuangNgai.org www.LCAlawfirm.vn www.DoanhNghiep.LuatsuQuangNgai.org
Fanpage Luật Sư Quảng Ngãi: https://www.facebook.com/luatsuquangngailca
Công ty Luật LCA : https://www.facebook.com/luatsugioiquangngai