Tội buôn lậu – BLHS 2015 – Phân tích

Tội buôn lậu là gì?

Tội buôn lậu là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH

Khách thể

Hành vi buôn lậu xâm phạm đến khách thể là chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên khách thể của tội phạm này không phải là an ninh kinh tế mà là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất, nhập khẩu hàng hoá, tiền tệ, kim khí đá quý, di vật, cổ vật, vật phẩm thuộc di tích lịch sử.Bên cạnh đó, hành vi buôn lậu cũng gây nguy hại đến an ninh biên giới của quốc gia.

Mặt khách quan

Hành vi khách quan – Buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng rơi vào các trường hợp khác mà điều luật quy định, nhằm mục đích thu lời bất chính. Hành vi này được thực hiện thông qua các thủ đoạn như: sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất, nhập hàng hóa, hoặc xuất, nhập hàng hóa không đúng với nội dung được phép..v..v..Trường hợp người vận chuyển thuê qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà biết rõ mục đích buôn bán kiếm lời của người thuê mình thì cũng sẽ bị xử lý về tội này với vai trò đồng phạm.
– Buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Hành vi này luôn bị coi là tội phạm không phụ thuộc vào giá trị của di vật, cổ vật hay bảo vật quốc gia.
Hậu quả và mối quan hệ nhân quả Hậu quả của hành vi buôn lậu là những thiệt hại đến tính mạng, tài sản và những thiệt hại khác do hành vi buôn lậu gây ra. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi buôn lậu gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức cao hơn.

Khi xác định hậu quả do hành vi buôn lậu gây ra cần chú ý rằng, giá trị hàng hoá và số lượng hàng hoá quy định tại khoản 1 của điều luật như: Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì không có nghĩa là đó là hậu quả của tội phạm, mà đó chỉ là vật phạm pháp.

Thiệt hại trực tiếp do hành vi buôn lậu gây ra là Nhà nước không kiểm soát được hàng hoá xuất nhập khẩu, gây thất thoát thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hoá.

Chủ thể

Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật là có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Chủ thể của loại tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không là chủ thể của tội này do không thuộc các tội mà chủ thể này phải chịu theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015.

Mặt chủ quan

Người thực hiện hành vi buôn lậu là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, thấy trước được hậu quả của của hành vi buôn bán trái phép qua biên giới và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi buôn lậu nào được thực hiện do cố ý gián tiếp.

Mục đích của người phạm tội là thụ lợi. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm cách trốn thuế xuất nhập khẩu.

Vấn đề đặt ra là, mục đích của người phạm tội có phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này không ? Đây cũng là vấn đề mà thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, đặc trưng của tội buôn lậu không phải là buôn bán hàng hoá qua biên giới, mà là trốn thuế xuất, nhập khẩu (trốn thuế do Hải quan thu). Hành buôn bán trái phép xảy ra bất cứ ở đâu, nếu có trốn thuế xuất, nhập khẩu đều là buôn lậu. Quan điểm này, mới nghe có vẻ rất hợp lý vì nó loại bỏ những rắc rối về một số trường hợp phải xác định thế nào là qua biên giới, làm cho việc xác định hành vi buôn lậu đơn giản hơn, nhưng lại không lý giải được những trường hợp không trốn thuế xuất, nhập khẩu hoặc hàng phạm pháp là hàng cấm không có thuế xuất hoặc thuế nhập nhưng vẫn là buôn lậu.


Luật sư Hình sự - Quảng Ngãi
Luật sư Hình sự – Quảng Ngãi


Khuyến nghị của Luật sư Quảng Ngãi .org

    1. Bài viết nêu trên được Luật sư Quảng Ngãi .org thực hiện nhằm mục đích tham khảo, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức pháp luật.
    2. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, vui lòng liên hệ với Luật sư Quảng Ngãi .org qua hotline 0905 333 560, Email:  info@luatsuquangngai.org


Liên hệ – Luật sư Quảng Ngãi .org

LUẬT SƯ TẠI QUẢNG NGÃI
    1166 Quang Trung, P. Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi

LUẬT SƯ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
    389/74/6 Lê Văn Khương, P. Hiệp Thành, Quận 12, TP. HCM
    204 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 10, TP. HCM

Hotline: 0905 333 560
Email: info@luatsuquangngai.org

Website:  www.LuatsuQuangNgai.org     www.LCAlawfirm.vn     www.DoanhNghiep.LuatsuQuangNgai.org  

Fanpage Luật Sư Quảng Ngãi: https://www.facebook.com/luatsuquangngailca

Công ty Luật LCA                    : https://www.facebook.com/luatsugioiquangngai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0905333560