Điều 9. Phân loại tội phạm
- Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
- a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
- b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
- c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
- d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
- Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Bình luận:
Trước đây Bộ Luật hình sự 1999 đưa việc phân loại vào Điều 8 khái niệm tội phạm. Tuy nhiên quy định này vô hình dung gây ra sự nhầm lẫn về thuộc tính của tội phạm, cụ thể các loại tội phạm chỉ là việc phân hóa mức độ chịu trách nhiệm hình sự, là sự chi tiết hóa cho một hành vi khi bị xem là cấu thành tội phạm.
Việc phân loại tội phạm được xem xét dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Theo đó tùy vào mức độ mà áp dụng loại hình phạt tương thích, đảm bảo được tính răn đe cũng như yếu tố giáo dục. Ngay tại Điều 1 Bộ luật hình sự hiện hành, chúng ta đã nhận thức rõ được chức năng, nhiệm vụ của luật hình sự. Nó là công cụ hữu hiệu của giai cấp cầm quyền trong việc bảo vệ chế độ, bảo vệ các mối quan hệ trong xã hội, được sử dụng để nhằm răn đe, ngăn chặn, uốn nắn cũng như trừng phạt và giáo dục đối với các hành vi xâm phạm. Chính vì vậy mà việc phân loại tội phạm có ý nghĩa to lớn trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Trách nhiệm hình sự của các chủ thể vi phạm được xác định ngay tại giai đoạn đầu và từ đó định hướng được các chế tài xử lý phù hợp.
Tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà tội phạm được pháp luật hình sự phân thành 4 loại như sau:
– Tội ít nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Ví dụ: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, chính quy định trên đặt ra nhiều câu hỏi đối với các tội phạm có hình phạt cảnh cáo thì có được xem là tội ít nghiêm trọng không. Thì căn cứ vào hình phạt được áp dụng phần lớn vẫn đồng ý mặc nhiên cho rằng đây thuộc tội phạm ít nghiêm trọng. Ngoài ra, không nên hiểu một cách máy móc các hình phạt này để làm căn cứ xác định tội, ví dụ: đối với các tội có hình phạt là trục xuất thì nếu xếp theo thứ tự cao thấp thì trục xuất nặng hơn hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và nhẹ hơn hình phạt tù. Tuy nhiên, cần phải hiểu không phải như vậy để căn cứ xếp loại, phân loại tội phạm. Cần hiểu rằng trục xuất là một hình phạt nằm trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự hiện nay, có đặc điểm riêng và chỉ áp dụng đối với tội phạm là người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam.
– Tội nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định với tội ấy từ trên 03 năm đến 07 năm tù. Ví dụ: Tội lây truyền HIV cho người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148, Tội cưỡng dâm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143.
– Tội rất nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt được quy định với tội ấy là từ 07 đến 15 năm. Ví dụ: Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 189; tội sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 192,…
– Tội đặc biệt nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Tội phản bội Tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 108; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 123,..
Sự phân hóa các loại tội phạm được thực hiện theo tính chất nghiêm trọng tăng dần và tương ứng với đó là loại hình phạt và mức khung hình phạt cũng tăng dần. Nếu trước đây việc phân loại hình phạt và khung hình phạt để áp dụng cho mỗi loại tội phạm được thực hiện theo phương thức áp mức tối đa thì hiện nay các nhà làm luật đã liệt kê một cách chi tiết, rõ ràng giúp việc vận dụng luật được thuận tiện hơn.
Phân loại tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quy định các nguyên tắc xử lý, quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án và các quy định khác về điều kiện áp dụng một số loại hình phạt hoặc biện pháp tư pháp,.. Phân loại tội phạm còn là cơ sở để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự, quy định khung hình phạt, đảm bảo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt. Ngoài ra, việc phân loại tội phạm còn có ý nghĩa đối với việc quy định một số chế định tạm giam, tạm giữ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tại khoản 2 Điều 9 có quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội không quy định hình phạt tù, chỉ có phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Do đó, không chỉ căn cứ vào khung hình phạt mà còn căn cứ vào từng tội phạm cụ thể do pháp nhân thương mại thực hiện để phân chia tội phạm đối với pháp nhân phạm tội. Đối với pháp nhân phạm tội tuy không áp dụng hình phạt tù nhưng các tội mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là những tội phạm mà người phạm tội có thể phạm và tội đó cũng có khung hình phạt. Chính vì vậy mà nhà làm luật mới quy định: “căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này. Ví dụ: Nếu pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu quy định tại Điều 188 thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 là tội ít nghiêm trọng, tại khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng, khoản 3 là tội phạm rất nghiêm trọng, còn khoản 4 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù pháp nhân thương mại chỉ được áp dụng hình phạt tiền. Thuật ngữ “tương ứng” được sử dụng là như thế.
Luật sư Hình sự – Quảng Ngãi
Khuyến nghị của Luật sư Quảng Ngãi .org
-
- Bài viết nêu trên được Luật sư Quảng Ngãi .org thực hiện nhằm mục đích tham khảo, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức pháp luật.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, vui lòng liên hệ với Luật sư Quảng Ngãi .org qua hotline 0905 333 560, Email: info@luatsuquangngai.org
Liên hệ – Luật sư Quảng Ngãi .org
LUẬT SƯ TẠI QUẢNG NGÃI
1166 Quang Trung, P. Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi
LUẬT SƯ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
389/74/6 Lê Văn Khương, P. Hiệp Thành, Quận 12, TP. HCM
204 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 10, TP. HCM
Hotline: 0905 333 560
Email: info@luatsuquangngai.org
Website: www.LuatsuQuangNgai.org www.LCAlawfirm.vn www.DoanhNghiep.LuatsuQuangNgai.org
Fanpage Luật Sư Quảng Ngãi: https://www.facebook.com/luatsuquangngailca
Công ty Luật LCA : https://www.facebook.com/luatsugioiquangngai