Tội vi phạm quy định về cạnh tranh – BLHS 2015 – Phân tích

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Điều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;

c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền;

d) Thu lợi bất chính 3.000.000.000 đồng trở lên;

đ) Gây thiệt hại cho người khác 5.000.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH

1. Khách thể: 

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh xâm phạm đến hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh được quy định cụ thể trong Luật cạnh tranh năm 2014 và các hướng dẫn liên quan khác; xâm phạm đến quyền tự do cạnh tranh một cách hợp pháp của các doanh nghiệp tham gia thị trường; làm ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp, của thị trường cũng như nền kinh tế.

2. Mặt khách quan:

Hành vi khách quan – Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

Thỏa thuận ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia thị trường: Là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường nhằm duy trì vị thế của mình dưới hình thức ngăn cản các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường bằng cách tạo ra các rào cản như: Thống nhất không giao dịch với doanh nghiệp mới muốn gia nhập thị trường; Kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không giao dịch với doanh nghiệp mới đó; Cùng mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp mới không thể gia nhập thị trường.

Thỏa thuận ngăn cản doanh nghiệp khác phát triển kinh doanh: Là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nhằm duy trì, củng cố vị thế của mình trên thị trường dưới hình thức ngăn cản doanh nghiệp khác mở rộng phát triển kinh doanh thông qua các biện pháp: Thống nhất không giao dịch với doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận; Kêu gọi nhà phân phối của mình phân biệt đối xử, gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp khác; Cùng mua, bán hàng hóa, dịch vụ gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp khác; Cùng mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận không thể mở rộng kinh doanh.

– Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;

+ Là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường liên quan nhằm củng cố, tăng cường vị thế của mình dưới hình thức loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường đó thông qua các biện pháp: Thống nhất không giao dịch với đối thủ đó; Kêu gọi khách hàng của mình không giao dịch với đối thủ đó; Kêu gọi nhà phân phối của mình phân biệt đối xử, gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa của đối thủ đó; Cùng mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá để đối thủ đó phải rút lui khỏi thị trường.

+ Thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Một hoặc các bên rút hồ sơ thầu đã nộp để bên còn lại trúng thầu; Gây khó khăn cho các bên không tham gia thỏa thuận bằng cách từ chối cung cấp nguyên liệu, không ký hợp đồng thầu phụ…; Đưa ra những mức giá không có tính cạnh tranh; Đặt mức giá cạnh tranh nhưng kèm theo những điều kiện mà bên mời thầu không thể chấp nhận để xác định trước một hoặc nhiều bên sẽ thắng thầu; Xác định trước số lần mỗi bên được thắng thầu trong một khoảng thời gian nhất định.

– Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp:

+ Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp:

Hành vi này được hiểu là việc thống nhất cùng hành động dưới một trong các hình thức sau đây: Áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng; tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể; áp dụng công thức tính giá chung; duy trì tỉ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan; không chiết khấu giá hoặc áp dụng mức chiết khấu giá thống nhất; dành hạn mức tín dụng cho khách hàng; không giảm giá nếu không thông báo cho các thành viên khác của thỏa thuận; sử dụng mức giá thống nhất tại thời điểm các cuộc đàm phán về giá bắt đầu.

+ Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, nguồn cung dịch vụ: Trong đó, thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ là việc thống nhất về số lượng hàng hóa, dịch vụ; địa điểm mua, bán hàng hóa, dịch vụ; nhóm khách hàng đối với mỗi bên tham gia thỏa thuận. Thỏa thuận phân chia nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ là việc thống nhất mỗi bên tham gia thỏa thuận chỉ được mua hàng hóa, dịch vụ từ một hoặc một số nguồn cung cấp nhất định.

+ Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ: Trong đó, thỏa thuận hạn chế số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ là việc thống nhất cắt, giảm số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên thị trường liên quan so với trước đó. Thỏa thuận kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua , bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là việc thống nhất ấn định số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường.

+ Thỏa thuận hạn chế sự phát triển kĩ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư: Trong đó, thỏa thuận hạn chế sự phát triển kĩ thuật, công nghệ là việc thống nhất mua sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp để tiêu hủy hoặc không sử dụng. Thỏa thuận hạn chế đầu tư là việc thống nhất không đưa thêm vốn để mở rộng sản xuất, cải tiến chất lượng hàng hóa, dịch vụ hoặc để mở rộng phát triển khác.

+ Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng:

Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ là việc thống nhất đặt một hoặc một số điều kiện tiên quyết sau đây trước khi ký kết hợp đồng:

* Hạn chế về sản xuất, phân phối hàng hóa khác; mua, cung ứng dịch vụ khác không liên quan trực tiếp đến cam kết của bên nhận đại lý theo quy định của pháp luật về đại lý;

* Hạn chế về địa điểm bán lại hàng hóa, trừ những hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật;

* Hạn chế về khách hàng mua hàng hóa để bán lại, trừ những hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật;

* Hạn chế về hình thức, số lượng hàng hóa được cung cấp.

+ Thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng: là việc thống nhất ràng buộc doanh nghiệp khác khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ với bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia thỏa thuận phải mua hàng hóa, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng.

Hậu quả Gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Hậu quả của tội phạm phải xác định, lượng hàng hóa ra thành tiền thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác từ chính các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh đó gây ra.

3. Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm HS theo quy định của Bộ luật HS năm 2015.

Đối với chủ thể là cá nhân chỉ cần là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi theo quy định của pháp luật.

Đối với chủ thể là pháp nhân thương mại bao gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và Hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam được quy định tại Điều 2 của Luật cạnh tranh năm 2014

4. Mặt chủ quan

Người thực hiện hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh do lỗi cố ý (cố ý trực tiếp), tức là biết rõ về hành vi của mình là hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh nào được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp. Mục đích của người phạm tội là thu lợi hoặc gây thiệt hại cho người khác.

HÌNH PHẠT

Hình phạt chính Khoản 1 Điều 217 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

– Người phạm tội bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Khoản 2 Điều 217 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) – Người phạm tội bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Hình phạt bổ sung Khoản 3 Điều 217 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm;

Đối với pháp nhân Khoản 4 Điều 217 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

– Có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


Luật sư Hình sự - Quảng Ngãi

Luật sư Hình sự – Quảng Ngãi



Khuyến nghị của Luật sư Quảng Ngãi .org

    1. Bài viết nêu trên được Luật sư Quảng Ngãi .org thực hiện nhằm mục đích tham khảo, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức pháp luật.
    2. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, vui lòng liên hệ với Luật sư Quảng Ngãi .org qua hotline 0905 333 560, Email:  info@luatsuquangngai.org


Liên hệ – Luật sư Quảng Ngãi .org

LUẬT SƯ TẠI QUẢNG NGÃI
    1166 Quang Trung, P. Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi

LUẬT SƯ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
    389/74/6 Lê Văn Khương, P. Hiệp Thành, Quận 12, TP. HCM
    204 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 10, TP. HCM

Hotline: 0905 333 560
Email: info@luatsuquangngai.org

Website:  www.LuatsuQuangNgai.org     www.LCAlawfirm.vn     www.DoanhNghiep.LuatsuQuangNgai.org  

Fanpage Luật Sư Quảng Ngãi: https://www.facebook.com/luatsuquangngailca

Công ty Luật LCA                    : https://www.facebook.com/luatsugioiquangngai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0905333560